UBDT nghiệm thu đề tài cấp quốc gia: Một số vấn đề cơ bản về Bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số nước ta

09:41 PM 27/10/2020 |   Lượt xem: 3245 |   In bài viết | 

Quang cảnh phiên họp của Hội đồng

TS. Lê Sơn Hải, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT là Chủ tịch Hội đồng. Tham dự phiên họp có TS. Hoàng Xuân Lương, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT; các thành viên Hội đồng nghiệm thu Đề tài, đại diện Vụ Tổng hợp (UBDT); Văn phòng Chương trình CTDT/16-20, Bộ KH&CN và một số nhà khoa học.

Mục tiêu của Đề tài là làm rõ hiệu quả, tác động của thực hiện chính sách và nhận diện những vấn đề cơ bản về Bình đẳng giới ở vùng DTTS hiện nay; đề xuất quan điểm, giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả các quy định của luật pháp, chính sách về Bình đẳng giới ở vùng DTTS đến năm 2030.

Triển khai các nhiệm vụ, nhóm nghiên cứu đã thực hiện khảo sát tại 8 tỉnh đại diện cho 14 nhóm DTTS khác nhau gồm: Lạng Sơn, Hà Giang, Điện Biên, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Sóc Trăng; Phỏng vấn bằng bảng hỏi đối với 2.894 đại diện hộ gia đình, 344 cán bộ huyện và xã; 350 phỏng vấn sâu, thảo luận nhóm đối với cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về Bình đẳng giới hoặc quản lý nhà nước về công tác dân tộc; cán bộ chủ chốt cấp xã; người có uy tín trong cộng đồng/dân tộc; phụ nữ, nam giới là người DTTS; Tổ chức 5 hội thảo chuyên gia và nhiều buổi tọa đàm...

Thay mặt nhóm nghiên cứu, GS.TS. Nguyễn Hữu Minh, Chủ nhiệm Đề tài đã báo cáo tóm tắt về các kết quả nghiên cứu của Đề tài

Qua các kết quả nghiên cứu, Đề tài đã nhận diện những vấn đề cơ bản về Bình đẳng giới ở vùng DTTS trên 6 lĩnh vực chủ yếu. Từ đó, nêu được sự gắn kết chặt chẽ giữa các yếu tố chính sách và quản lý; các đặc điểm cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân với việc thực hiện Bình đẳng giới trên các lĩnh vực ở vùng DTTS. Đề xuất các biện pháp phù hợp đối với việc thúc đẩy Bình đẳng giới ở từng lĩnh vực cụ thể và cơ chế triển khai thực hiện chính sách về Bình đẳng giới thông qua việc lồng ghép giới, cơ chế ban hành, cơ chế giám sát và kiểm tra thực hiện; các tiêu chí đánh giá hiệu quả...

Đánh giá Đề tài đã xây dựng được khung nghiên cứu khoa học, rõ ràng với nhiều đóng góp, phát kiến mới, sản phẩm đạt và vượt yêu cầu, đã nghiêm túc tiếp thu chỉnh sửa theo yêu cầu của Hội đồng cấp cơ sở; các thành viên Hội đồng đề nghị cần phân tích sâu hơn các giải pháp đặc thù, tạo đột phá trong xây dựng chính sách với những khuyến nghị cụ thể, rõ ràng hơn; cập nhật các thông tin và có những đóng góp thiết thực hơn trong xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi trong lĩnh vực Bình đằng giới.

Kết quả phiên họp, Hội đồng đánh giá Đề tài xếp loại “Đạt” và đề nghị Ban Chủ nhiệm tiếp thu, hoàn thiện theo các ý kiến góp ý của thành viên Hội đồng.