Quan tâm đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số

09:41 AM 05/09/2018 |   Lượt xem: 5758 |   In bài viết | 

Việc đào tạo, bồi dưỡng học sinh người dân tộc thiểu số được tỉnh Yên Bái chú trọng (Trong ảnh: Nguyên Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh đến thăm và làm việc với Trường PTDT nội trú tỉnh Yên Bái) - Ảnh: HM

Nhiều chính sách dành cho cán bộ dân tộc thiểu số

Nhận thức rõ tầm quan trọng của trí thức dân tộc thiểu số nhất là trong nền kinh tế tri thức, góp phần quan trọng vào sự phát triển toàn diện, bền vững của địa phương, trong những năm qua, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tỉnh Yên Bái đã quan tâm xây dựng đội ngũ trí thức nói chung và trí thức dân tộc thiểu số nói riêng.

Bên cạnh chủ trương ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, trong đó bước đầu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số, Yên Bái đã tiến hành củng cố phát triển các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng từ tỉnh đến huyện, thực hiện liên kết với các cơ sở đào tạo ngoài tỉnh, mở các lớp đào tạo sau đại học, đại học, lý luận chính trị nhằm chuẩn hóa và nâng cao trình độ cho các cán bộ, công chức.

Theo đồng chí Giàng A Câu, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Yên Bái, tổng số cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh tính đến ngày 01/9/2017 (không tính cán bộ công chức cấp xã) là 22.194 người; cán bộ là người dân tộc thiểu số là 5.852 người chiếm 26,4% tổng số cán bộ công chức, viên chức toàn tỉnh.

Thời gian qua, Yên Bái đã dành sự quan tâm tới công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ phù hợp với trình độ, năng lực; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cả về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ gắn với quy hoạch cán bộ. Việc bố trí, sử dụng cán bộ được chú trọng, nâng dần cơ cấu cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số trong cấp ủy, giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp.

Đến nay tỉnh đã mở 04 lớp đào tạo cán bộ chủ chốt và dự nguồn chủ chốt cấp xã theo Đề án 11-ĐA/TU; mở các lớp bồi dưỡng cho đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã; bồi dưỡng ứng dụng công nghệ cho cán bộ công chức, viên chức…

Cùng với đó, công tác quy hoạch cán bộ chú trọng cơ cấu 3 độ tuổi, nâng dần tỷ lệ tuổi trẻ, cán bộ nữ, dân tộc. Quy hoạch Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2015- 2020 là 92 người, dân tộc thiểu số là 30 người; nhiệm kỳ 2020-2025 là 83 người, dân tộc thiểu số là 28 người; quy hoạch cán bộ, lãnh đạo, quản lý của các các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, nhiệm kỳ 2015- 2020 là 992 người, dân tộc thiểu số là 189 người; nhiệm kỳ 2020- 2025 là 888 người (dân tộc thiểu số là 179 người).

Về quy hoạch chức danh trưởng, phó phòng và tương đương nhiệm kỳ 2015- 2020 là 3.137 người (dân tộc thiểu số là 585 người); nhiệm kỳ 2020- 2025 là 3.264 người (dân tộc thiểu số là 744 người); quy hoạch cấp ủy cấp huyện và tương đương nhiệm kỳ 2015- 2020 là 445 người (dân tộc thiểu số là 137 người); nhiệm kỳ 2020- 2025 là 509 người (dân tộc thiểu số là 151 người).

Yên Bái cũng đã thực hiện công tác tuyển dụng kết hợp giữa chỉ tiêu biên chế và yêu cầu công việc, vị trí việc làm, chú trọng đến năng lực, phẩm chất, đạo đức. 

UBND tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ vào các quy định của Luật Công chức, Luật viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành các bộ, ngành và của tỉnh thực hiện theo đúng quy định qua đó, triển khai kịp thời, chính xác, khách quan, tạo điều kiện thuận lợi về chế độ, chính sách Nhà nước, công tác thi tuyển, xét tuyển, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh theo đúng các quy định của Nhà nước; phù hợp với đặc điểm của các ngành địa phương, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện. 

Cùng với đó, công tác luân chuyển cán bộ cũng được triển khai thực hiện theo Kết luận số 24-KL/TW ngày 05/6/2012 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Tỉnh ủy, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đã nhận thức sâu sắc về yêu cầu, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác luân chuyển cán bộ, xem đây là chủ trương quan trọng, là khâu đột phá trong công tác cán bộ. Từ đó, coi trọng công tác tư tưởng, thực hiện việc luân chuyển cán bộ đồng bộ, thận trọng, chặt chẽ và gắn với quy hoạch, bố trí, sử dụng, đào tạo cán bộ đảm bảo hệ thống, mang tính tích cực và phát huy hiệu quả.

Luân chuyển cán bộ đã có tác động tích cực đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, các địa phương có cán bộ luân chuyển đều có chuyển biến rõ nét, khắc phục được nhiều yếu kém, trì trệ trước đây, kinh tế tiếp tục ổn định và chuyển dịch tích cực… tạo thế và lực mới cho địa phương phát triển; văn hóa – xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, củng cố các cơ sở đảng yếu kém, xây dựng hệ thống chính trị. 

Cần xây dựng cơ cấu thành phần dân tộc hợp lý

Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và tỉnh Yên Bái, có thể nói đến nay đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số trong hệ thống chính trị được tăng cường cả về số lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Tuy nhiên, đồng chí Giàng A Câu cũng cho biết, tính tỷ lệ dân tộc thì Yên Bái vượt so với Trung ương nhưng tính về cơ cấu thành phần dân tộc thì chưa thực sự hợp lý. Thực tế cơ bản tỷ lệ dân tộc chủ yếu là người Tày, người Mông, nhưng một số dân tộc thiểu số như người Xa Phó chỉ có trên 1.000 người đang sinh sống và phát triển hàng trăm năm trên mảnh đất này thì chưa thực sự được quan tâm.

Lấy ví dụ cụ thể, thời gian qua trên địa bàn tỉnh có 2 nữ sinh viên đại học là người Xa Phó được đào tạo theo địa chỉ nhưng khi ra trường thì lại không xếp được việc, hoặc nhiều trường hợp được xếp việc nhưng khi thi công chức lại không đỗ (Do Luật công chức không có ưu tiên dành cho cán bộ người đồng bào dân tộc thiểu số). Đó là 2 trong số rất nhiều trường hợp sinh viên là người dân tộc thiểu số sau khi ra trường vài năm vẫn phải đi làm thuê bằng những công việc không đúng chuyên ngành để trang trải cuộc sống.

Đoàn công tác Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam làm việc với Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái - Ảnh: HM

“Khi đã cố gắng xin việc mà không được thì một thời gian sau đa phần những sinh viên được đi đào tạo sẽ nản. Các sinh viên nữ sẽ lấy chồng, lo công việc gia đình và từ bỏ ý định công tác trong Nhà nước; một số sinh viên nam phải bươn chải và xin việc tại các tỉnh khác, như vậy sẽ lãng phí nguồn nhân lực đã được đào tạo”. Đồng chí Giàng A Câu cho biết.

Từ thực trạng đó, Ban Dân tộc đã tham mưu cho tỉnh xây dựng Đề án “Hỗ trợ phát triển sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người”, tuy nhiên đến nay Đề án này vẫn chưa được phê duyệt, đây là một khó khăn trong thực hiện các chính sách bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số. 

" Để đồng bào dân tộc thiểu số có cơ hội đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của tỉnh cũng như của đất nước, cần quan tâm đến cơ cấu thành phần trong đó, quan tâm đến cán bộ dân tộc thiểu số nhất là dân tộc thiểu số rất ít người. Cùng với đó, các cấp các ngành trong tỉnh và Trung ương cần có thêm những chính sách phù hợp để thu hút cán bộ người dân tộc thiểu số", đồng chí Giàng A Câu kiến nghị./.

(dangcongsan.vn)