Tiếp tục nâng cao hiệu quả chính sách báo chí cho đồng bào dân tộc
03:35 PM 09/08/2016 | Lượt xem: 5444 In bài viết |Cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn là một trong những chính sách quan trọng do Ủy ban Dân tộc trực tiếp quản lý theo các Quyết định 2472, 1977/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, hàng chục triệu ấn phẩm đã được chuyển đến đồng bào các dân tộc thiểu số, trở thành món ăn tinh thần được trông đợi của người dân nơi vùng sâu, vùng xa.
Theo đánh giá của Ủy ban Dân tộc, 24 báo, tạp chí tham gia thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2012 - 2015 đã tích cực tuyên truyền thực hiện chính sách dân tộc, góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới” tại vùng miền núi, dân tộc. Thông tin trên các báo, tạp chí đã giúp đồng bào các dân tộc hiểu biết chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế, cung cấp kiến thức khoa học kỹ thuật, công nghệ và hướng dẫn đồng bào áp dụng hiệu quả để vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu.
Bên cạnh đó, các báo, tạp chí còn cổ vũ, hướng dẫn đồng bào biết trân trọng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp về tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội truyền thống, di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, kiến trúc, công cụ sản xuất, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quan, văn hóa, nghệ thuật tốt đẹp của dân tộc. Chú trọng tuyên truyền cho đồng bào các kiến thức chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình, tổ chức xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư, tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết…
Nhận xét về hiệu quả của chính sách, chị Hàu Thị Say, người dân tộc Mông, từ thủy điện Na Hang chuyển về định cư tại thôn Mỹ Hoa - thôn có 100% là người dân tộc Mông, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang cho biết: những ấn phẩm báo, tạp chí tháng nào cũng đều được cung cấp đầy đủ, đáp ứng được nhu cầu văn hóa đọc cho người dân. Qua báo chí, nhận thức của đồng bào được nâng cao, từng bước tiếp cận với sản xuất hàng hóa. Nhờ học hỏi kinh nghiệm làm ăn được đăng tải trên các báo, tạp chí, nhất là cách trồng lúa nước, chè, rừng kinh tế mà nhiều gia đình đã có cuộc sống khá giả vớinhà xây kiên cố, hơn 46 hộ đã có xe ô tô, cuộc sống tinh thần cũng nhờ đó mà được nâng cao (riêng xã có 05 câu lạc bộ văn nghệ và 04 câu lạc bộ thể thao sinh hoạt thường xuyên). Phong trào văn nghệ, thể thao phát triển giúp người dân đoàn kết gắn bó hơn.
Ông Y Thông, dân tộc Ê-đê, ở Buôn Đôn, Đắk Lắk đánh giá, các ấn phẩm báo, tạp chí đã thường xuyên được cải tiến về hình thức, trình bày đẹp, hấp dẫn, hình ảnh đẹp, phù hợp với trình độ dân trí và thị hiếu của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi vùng sâu, vùng xa. Phương pháp thể hiện thuyết phục, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo.
Với ưu điểm và thế mạnh của báo viết, ngoài việc chuyển tải kịp thời thông tin đến với đồng bào vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, các báo, tạp chí còn là cẩm nang không thể thiếu giúp cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang và bộ đội biên phòng làm tài liệu tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, báo viết đã xóa được các điểm trắng về thông tin đến các thôn, bản vùng “lõm” mà báo nói, báo hình, báo điện tử chưa thực hiện được.
Đặc biệt, trước âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, lợi dụng khó khăn của đồng bào và những sai sót trong thực hiện chính sách dân tộc để kích động, hòng phá vỡ sự đồng thuận xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, các báo, tạo chí đã tích cực tuyên truyền, thông tin có định hướng, phản bác những luận điệu sai trái, phản cách mạng, góp phần ngăn chặn những tiềm ẩn nảy sinh, giải tỏa những bức xúc, thắc mắc trong đồng bào dân tộc ngay từ cơ sở.
Chính sách cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn hiện là một trong những chính sách ít tiêu tốn ngân sách nhà nước (năm 2015 là 178 tỷ đồng; năm 2016 là 140 tỷ đồng). Tuy nhiên, chính sách được đánh giá là mang lại nhiều hiệu quả đối với đồng bào các dân tộc. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý bổ sung Đề án cấp một số ẩn phẩm, báo chí cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2017 - 2020 vào Chương trình công tác năm 2016 của Ủy ban Dân tộc, trên cơ sở hiệu quả và tiết kiệm ngân sách.
Thực hiện ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay, Ủy ban Dân tộc đang khẩn trương hoàn thiện Đề án theo hướng khắc phục những tồn tại trong tổ chức thực hiện chính sách giai đoạn trước; cân đối, giảm số lượng ấn phẩm báo chí, thu gọn đối tượng thụ hưởng chính sách cho phù hợp; hướng dẫn các báo phát hành chuyên đề dân tộc, miền núi thay vì ra báo ngày nhằm tránh tình trạng phát hành không kịp thời, khiến báo ngày trở thành báo tuần như trước đây./.
PV