Tăng cường phát huy vai trò của Người có uy tín trong đồng bào DTTS sinh sống dọc tuyến biên giới
04:07 PM 27/08/2024 | Lượt xem: 1553 In bài viết |Từ ngày 22-23/8/2024, tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Ủy ban Dân tộc phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa đại biểu DTTS, Người có uy tín trong đồng bào DTTS sinh sống dọc tuyến biên giới năm 2024.
Hội nghị là một trong những hoạt động nhằm cụ thể hóa việc thực hiện Đề án tiếp nhận nhiệm vụ công tác dân tộc sau khi các Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ kết thúc hoạt động ban hành tại Quyết định số 352/QĐ-UBDT ngày 08/7/2020 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; với mục tiêu tăng cường phát huy vai trò của đồng bào DTTS, Người có uy tín trong đồng bào DTTS sinh sống dọc tuyến biên giới; chia sẻ kinh nghiệm trong việc tuyên truyền, thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ở vùng DTTS, giữ gìn đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định cùng phát triển.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông chủ trì Hội nghị. Dự Hội nghị có ông Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; lãnh đạo, chuyên viên một số Vụ, đơn vị của Ủy ban Dân tộc. Tham dự Hội nghị còn có các đại biểu đại diện các sở, ngành, một số huyện, xã trên địa bàn tỉnh, cùng 65 đại biểu là Người có uy tín trong đồng bào DTTS sinh sống dọc tuyến biên giới.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông và ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đồng chủ trì Hội nghị
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông cho biết: Việt Nam có 54 dân tộc, trong đó có 53 DTTS, với hơn 14 triệu người, chiếm 14,7% dân số cả nước. Đồng bào DTTS sinh sống thành cộng đồng ở 5.266 xã, 548 huyện, 52 tỉnh, thành phố. Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn xác định đại đoàn kết dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng; kiên định, nhất quán: Các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng phát triển. Chăm lo công tác dân tộc là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân; của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Y Thông khẳng định: Trong những năm qua, Người có uy tín trong đồng bào DTTS nói chung, Người có uy tín trong đồng bào DTTS khu vực biên giới nói riêng đã phát huy được vai trò, trách nhiệm, trở thành những nhân tố quan trọng trong các phong trào ở thôn bản, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Người có uy tín có cùng ngôn ngữ, văn hóa và am hiểu phong tục tập quán của địa phương và được Nhân dân tín nhiệm, vì vậy đã thực sự trở thành chỗ dựa tinh thần cho đồng bào.
Bằng uy tín và sự ảnh hưởng của mình, Người có uy tín đã gương mẫu thực hiện, tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kịp thời nắm bắt tình hình, phát hiện cung cấp thông tin và tham gia cùng với chính quyền địa phương trong công tác hòa giải cơ sở, giải quyết có hiệu quả các mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng; tích cực phát triển kinh tế gia đình, giúp đỡ, hỗ trợ bà con trong thôn bản phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đồng thời, giữ gìn và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống tộc người, bài trừ các hủ tục lạc hậu; tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới quốc gia...
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông và ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tặng quà cho các đại biểu Người có uy tín
Nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của Hội nghị, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm đề nghị các Báo cáo viên ngoài trình bày các tài liệu đã chuyển đến các đại biểu cần bổ sung liên hệ đến các nội dung liên quan trong thực tiễn tại cơ sở nhằm trang bị cho các đại biểu Người có uy tín sinh sống dọc tuyến biên giới dễ nghe, dễ hiểu và dễ làm. Đồng thời, đưa ra các đánh giá khách quan, các giải pháp tầm nhìn của các cơ quan, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương có trách nhiệm về một cộng đồng gắn kết và chủ động đề xuất các giải pháp trong giai đoạn tiếp theo.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe 10 chuyên đề và nhiều ý kiến tham luận chia sẻ kinh nghiệm trong việc tuyên truyền, thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ở vùng DTTS dọc tuyến biên giới; các mô hình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo; bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS; nâng cao tính cảnh giác trước tình trạng di cư tự do, lừa đảo, quan hệ hôn nhân xuyên biên giới và liên khu vực.
Quang cảnh Hội nghị
Thông qua Hội nghị góp phần tăng cường phát huy vai trò của người DTTS, Người có uy tín trong đồng bào DTTS sinh sống dọc tuyến biên giới Việt Nam - Lào trong vai trò cầu nối đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào DTTS, để chính sách dân tộc được thực hiện đúng đắn, hiệu quả, cũng như giúp Đảng, Nhà nước, nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của đồng bào DTTS. Đồng thời giúp đồng bào DTTS hiểu về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển giữa Việt Nam – Lào, cảnh giác trước những âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, góp phần giữ ổn định trong khu vực và trên thê giới.
Nhân dịp tổ chức Hội nghị, để kịp thời động viên các đại biểu là Người có uy tín trong đồng bào DTTS khu vực biên giới, Ủy ban Dân tộc đã trao tặng 65 phần quà cho các đại biểu là Người có uy tín tham dự Hội nghị.
(Nguồn: baodantoc.vn)